Chè Hà Giang cần một thương hiệu
Chè San tuyết có nét đặc trưng
riêng của một vùng tự nhiên và khí hậu mà không phải nơi nào cũng có.
Hoàng Su Phì hay Lũng Phìn (Đồng Văn) là những địa danh quen thuộc với
sản phẩm chè San tuyết.
Là
tỉnh vùng núi cao ở cực Bắc đất nước, Hà Giang thiệt thòi vì có ít diện
tích đất dành cho phát triển cây lúa nước, trồng các loại cây rau, củ,
quả hay các loại cây công nghiệp. Tuy nhiên, bù lại, Hà Giang có Công
viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, một số sản vật chỉ có ở
vùng cao núi đá hay ở vùng cao núi đất; có diện tích đất trồng chè lớn
thứ ba trong cả nước (sau Lâm Đồng và Thái Nguyên).
Chè San tuyết Hà Giang có nét đặc trưng riêng mà không phải nơi nào cũng có. Nguồn: Internet
|
Là
một trong số những tỉnh nghèo nhất nước, Hà Giang luôn mong muốn tìm
cho mình hướng phát triển kinh tế để dân thoát nghèo. Tìm một hướng đi
phù hợp với điều kiện tự nhiên xã hội, với trình độ nguồn nhân lực địa
phương và hiệu quả kinh tế mang lại phải cao với tỉnh Hà Giang thật
không đơn giản. Những năm qua, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế
trong và ngoài tỉnh đã nhiều lần bàn thảo để tìm cho vùng đất có nhiều
cái nhất: nghèo nhất, cao nguyên đá duy nhất, thiếu nước nhất… chiến
lược phát triển kinh tế thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo bền vững. Và
người Hà Giang cũng cảm nhận được là đi lên từ chính những gì mình có là
thực tế, là bền vững.
Cây
chè được các nhà quản lý và chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế của
tỉnh xác định là cây góp phần tích cực cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh
tế nông nghiệp, là một trong những loại cây hàng hoá chiến lược để thực
hiện chương trình xoá đói giảm nghèo của tỉnh. Những tưởng, định hướng
đó sẽ là bệ phóng để cây chè Hà Giang lên ngôi, nhanh chóng chiếm được
thị phần trong thời kinh tế hội nhập; thương hiệu chè Hà Giang ngày càng
được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Trên thực tế, những năm
qua, chè Hà Giang kém về sức cạnh tranh trên thương trường về tất cả các
mặt cần và đủ của một sản phẩm hàng hoá.
Là
tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây chè sinh trưởng và phát
triển, đặc biệt là với sản phẩm chè San tuyết, xác định cây chè là cây
chiến lược để xoá đói giảm nghèo nên lãnh đạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo,
đưa ra các chính sách cũng như giải pháp để khuyến khích đầu tư, phát
triển sản xuất, kinh doanh chè. Đến nay, cả tỉnh có trên 20.000 ha chè,
được trồng chủ yếu tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì,
Xín Mần. Ngành chè thu hút 8 doanh nghiệp, 23 HTX và trên 700 cơ cở sản
xuất, chế biến.
Tuy
nhiên cây chè Hà Giang hiện vẫn phát triển chưa như mong muốn. Theo ý
kiến của giới chuyên môn, nguyên nhân là do diện tích chè không tập
trung nên khó khăn cho việc triển khai sản xuất lớn, áp dụng khoa học
công nghệ và cơ giới hoá; mật độ vườn chè chưa đảm bảo; đầu tư thâm canh
chưa được chú trọng. Chè ở Hà Giang chủ yếu được trồng bằng hạt, đến
nay, nhiều diện tích chè đã bị già cỗi và có biểu hiện suy thoái. Ở các
huyện vùng cao núi đất như Hoàng Su Phì, Xín Mần, cây chè được bà con
các dân tộc phần lớn trồng theo lối quảng canh, chưa chú trọng vào đầu
tư thâm canh. Khâu chế biến chè hầu như cũng làm thủ công hoàn toàn.
Năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chè đạt thấp, công tác quảng
bá lại kém nên sức tiêu thụ sản phẩm cũng kém và hệ quả cuối cùng là
người trồng chè có mức thu nhập thấp, đời sống không ổn định, nguy cơ
tái nghèo cao.
Bài
toán về tìm hướng đi cho cây chè Hà Giang lại tiếp tục được đặt lên bàn
các nhà quản lý. Được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà
Giang đang xây dựng đề án, tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch nâng cao chất
lượng sản phẩm cây chè, có sự đầu tư thoả đáng, tạo đà cho chè San
tuyết. Hà Giang phấn đấu đến năm 2015, diện tích chè đạt 17.000 ha cho
thu hoạch ổn định, sản lượng chè búp tươi đạt 90.000 tấn, năng suất chè
bình quân đạt 53 tạ/ha. Cây chè tiếp tục được xác định là cây mũi nhọn
trong phát triển nông lâm nghiệp của tỉnh.
Để
thực hiện được những mục tiêu trên, bài học từ thực tế những năm làm
chè hàng hoá thời hội nhập khu vực, hội nhập quốc tế cho thấy, Hà Giang
phải quyết liệt, tích cực hơn trong việc mời gọi các nhà đầu tư cho
ngành chè. Thiếu đầu tư, thiếu công nghệ cao chắc chắn sẽ không có sản
phẩm chè hàng hoá mang lại giá trị kinh tế cao, không có thương hiệu chè
Hà Giang trên thương trường cạnh tranh đang ngày càng khốc kiệt. Hàng
chục vạn hộ nông dân trồng chè Hà Giang phải được học cách trồng và sản
xuất chè sạch, chè an toàn; người quản lý, phân phối phải biết nghiên
cứu mẫu mã hấp dẫn để quảng bá thương hiệu; xây dựng nhãn mác, lô gô của
chè Hà Giang. Đặc biệt, chất lượng chè Hà Giang phải được nhắc đến là
sản phẩm chất lượng cao, mang hương vị đặc trưng riêng của một vùng cao
nguyên phía Bắc.
TTXVN/ Tin Tức