Dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức ở Đồng Văn, Hà Giang là một công trình với kiến trúc đặc sắc bậc nhất của tỉnh Hà Giang, được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đây là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi bước chân tới Hà Giang.
Dinh thự vua Mèo nằm giữa thung lũng Sà Phìn
Dinh thự nằm giữa thung lũng Sà Phìn, huyện Đồng Văn, trên một khối đất nổi cao như hình mai rùa, tượng trưng cho thần Kim Quy, bao quanh bởi một dải núi hình vòng cung, tạo nên địa thế phòng thủ rất tuyệt vời.
Cổng ngoài dinh thự
Bước vào khu dinh thự, ấn tượng đầu tiên là những hàng cây sa mộc cao vút, thẳng tắp hàng trăm năm tuổi. Chiếc cổng đá của dinh hiện lên bề thế được chạm trổ tinh tế. Cổng nhà cong, uốn lượn với những cánh dơi – biểu tượng cho chữ “phúc”. Mái cổng bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo, với nhiều kiểu hoa văn.
Nhà cổng dinh thự
Dinh có tuổi đời gần 100 năm, vua Mèo đã thuê nhiều thợ giỏi là người Trung Quốc và người Mông cùng hàng nghìn công nhân, xây dựng dinh thự trong gần 10 năm. Công trình tiêu tốn khoảng 150.000 đồng bạc trắng (tương đương với 150 tỉ tiền Việt Nam lúc bấy giờ).
Hoa văn bằng gỗ ở nhà cổng
Kiến trúc dinh thự mô phỏng kiến trúc thành quách của nhà Thanh Trung Hoa, kết hợp với các hoa văn của người Mông và chọn lọc với kiến trúc Pháp như các lò sưởi, lô cốt… Dinh có 3 cung tiền, trung và hậu, với 64 phòng lớn nhỏ, có sức chứa khoảng 100 người. Giữa các dãy nhà gỗ 2 tầng khép kín là một khoảng sân rộng đầy ánh sáng. Bao quanh khu nhà là vườn cây với nhiều loại cây: cây sa mộc, cây quế, đào, lê, các loại hoa…
Mái nhà dinh thự
Nét đặc sắc của khu dinh thự nằm ở cấu trúc và cách bố trí các phòng. Dinh thự như một pháo đài kiên cố, các bức tường dày, được xây bằng đá xanh, ngói đất nung và đồ gỗ trong các dãy nhà là gỗ thông đá. Dinh có 2 lô cốt để phòng thủ, có kho cất giữ tài sản, kho vũ khí, kho thuốc phiện, cách bố trí các phòng tựa như một thành quách thu nhỏ.
Khách du lịch thăm dinh thự
Điểm nhấn nữa của dinh là nghệ thuật điêu khắc trong các phần của dãy nhà, mang đậm dấu ấn của dòng họ Vương, dấu ấn của hoạt động buôn bán thuốc phiện. Nhiều chi tiết bằng đá của tòa nhà được chạm khắc cầu kì, khéo léo mang các biểu tượng cho sự phú quý, hưng thịnh. Những chân cột được chạm khắc hình cuống quả thuốc phiện to như cái chum, giống đến từng chi tiết, được mài cho thật bóng bằng bạc trắng. Các trụ cầu thang cũng là tác phẩm điêu khắc bằng đá quý giá, mang bóng dáng của cây hoa anh túc. Các họa tiết trên xà nhà, trái nhà, các cánh cửa, cửa sổ chạm hình quả thuốc phiện tinh xảo, bắt mắt.
Trải qua bao biến động của thời gian và chiến tranh, một số vật liệu trong khu dinh thự đã bị thay thế, nhưng vẫn giữ được nguyên nét kiến trúc độc đáo.
Kho vũ khí của dinh thự
Lò sưởi dinh thự
Cửa tiền dinh
Lô cốt nơi hậu dinh
Hình quả thuốc phiện trang trí
Trụ đá và cầu thang bằng đá