Ruộng bậc thang là một loại hình canh tác tương đối phổ biến, có mặt ở rất nhiều quốc gia mà tiêu biểu là các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như: Việt Nam, Lào, Thái Lan, Philipin, Inđônêxia và một số tỉnh phía nam Trung Quốc.
Ở Hà Giang hình thức canh tác trên ruộng bậc thang tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi phía tây của tỉnh trong đó tiêu biểu nhất, tập trung nhất là ruộng bậc thang của các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì.
Mặc dù cho đến nay chưa có một tài liệu chính thống nào khẳng định được chính xác thời gian xuất hiện của hình thức canh tác trên ruộng bậc thang cũng như dân tộc nào đã sáng tạo ra, tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu cho rằng hình thức canh tác trên ruộng bậc thang đã xuất hiện ở Hoàng Su Phì từ vài trăm năm trước.
Ngày 16/9 tới, những thửa ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì sẽ đón nhận Bằng di tích Quốc gia.
Hoàng Su Phì là một huyện nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang khoảng 110km dọc theo trục quốc lộ 2 và tỉnh lộ 177. Hoàng Su Phì là huyện có địa hình tương đối phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao và trung bình, thấp dần về phía sông theo hướng dòng chảy của sông Chảy và sông Bạc, tạo nên 3 dạng địa hình chính là địa hình núi cao, đồi núi thấp và trung bình, thung lũng hẹp. Huyện Hoàng Su Phì nằm trên thượng nguồn của sông Chảy, đây là con sông lớn nhất và cổ nhất, do quá trình kiến tạo địa chất lâu dài và quá trình phong hóa tại chỗ trên nền đá mẹ nên đã hình thành tài nguyên đất đa dạng. |