Sủng Là nằm trên tuyến quốc lộ 4C, nối những thị trấn trên mảnh đất Hà Giang, cách huyện Đồng Văn hơn 20km, nên bất kỳ ai đến với mảnh đất này cũng sẽ đi qua nó.
Thung lũng Sủng Là nhìn từ trên cao
Bạn từ hướng Yên Minh lên thị trấn Đồng Văn, đến ngã ba Phó Bảng, nơi con đèo xinh đẹp ôm trọn một thung lũng xanh là điểm cao và đẹp nhất để ngắm toàn cảnh Sủng Là. Nơi đây là xã vùng cao đẹp nhất toàn cao nguyên đá Đồng Văn.
Từ trên con đường vắt vẻo lưng chừng trời nhìn xuống, bạn sẽ thấy Sủng Là như một bức tranh thiên nhiên thanh bình, xinh đẹp. Sủng Là nằm giữa những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô, thâm sẫm một màu, những ngôi nhà vững chãi với mái đã phai màu thời gian.
Trên gác, màu của ngô lẫn trong đám đỗ tương được phơi khô. Và cô gái Sủng Là ngồi dệt bên khung cửi, tiếng Kinh không nói được nhiều nhưng vẫn sẵn lòng mời bạn bát nước cho đỡ cơn khát ban trưa.
Người Mông ở Sủng Là trồng tam giác mạch và hoa cải trên đồi đất cao, trồng ngô, lúa ở vùng đất bằng nơi đáy thung lũng. Chen lẫn trong màu xanh non của ngô, lúa, màu tím hoa cà của hoa tam giác mạch và màu vàng của nắng là màu xanh đậm của rừng sa-mu sừng sững giữa đất trời.
Hoa Tam giác mạch
Mùa xuân cũng là mùa đẹp nhất của mảnh đất này khi những vạt hoa nở khắp vùng cao nguyên đá. Những cánh đồng hoa làm khung cảnh thiên nhiên vốn khắc nghiệt, lạnh lẽo biến thành một bức tranh tuyệt mỹ.
Và những con người mộc mạc nơi đây cũng góp phần tô điểm cho Sủng Là. Những mái nhà đơn sơ giản dị, bên hiên ríu rít tiếng nói cười trẻ thơ. Ngoài kia, lũ trẻ với những chiếc khăn đủ màu chơi đùa trên cánh đồng. Ánh hoàng hôn xiên xiên màu mật ngọt, tạo nên khung cảnh thật nên thơ.
Không ít du khách thích đi du lịch bụi đến Hà Giang, thường ghé lại Sủng Là chụp cho được những khung cảnh tuyệt đẹp. Đôi khi họ còn xin người dân ngụm nước, hoặc tham quan chợ phiên hay thong thả tựa hàng hiên ngắm cảnh thiên nhiên.
Người Hà Giang còn gọi Sủng Là là “ốc đảo”, bởi nơi đây vốn là thung lũng nằm gọn trong cao nguyên đá Đồng Văn. Còn những người thích du lịch bụi gọi Sủng Là là “đóa hoa hồng” của cao nguyên đá. Với công chúng yêu thích nghệ thuật, có người nhớ thung lũng này đã được chọn làm bối cảnh cho bộ phim nổi tiếng “Chuyện của Pao”, dựa theo truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Người ta nhớ đến một cô Pao xinh đẹp giữa những cánh đồng hoa cải. Với bộ phim này, điện ảnh đã đem đến cho công chúng những cảnh sắc tươi đẹp của non sông đất nước Việt Nam.
Ngôi nhà trong phim "Chuyện của Pao"
Phiên chợ hôm đó đông hơn thường lệ vì có thêm đoàn khách hiếu kỳ của chúng tôi ghé thăm. Từ sáng sớm khi sương chưa tan, trên những con đường mòn vắt vẻo, đã thấy thấp thoáng bóng váy áo sặc sỡ của những cô gái Mông dắt ngựa xuống chợ. Nghe dìu dặt tiếng khèn của các chàng trai Mông mặc áo nhuộm chàm, quần thụng say sưa gọi bạn tình. Chúng tôi cũng thử ăn món "mèn mén" đựng trong những chiếc quẩy tấu bằng tre đan khéo léo, ăn bát "thắng cố" ngọt thơm mùi thảo quả, ăn chiếc bánh ngô bình dị và nếm chút rượu ngô cay cay nồng nồng...
Nằm cheo leo trên những triền núi cao quanh năm mây mù bao phủ và ở nơi tận cùng cực Bắc, Sủng Là cho dù đời sống còn nhiều khó khăn vất vả và khắc nghiệt, song những nụ cười rạng ngời vẫn nở trên đôi môi của thiếu nữ Mông. Họ vẫn miệt mài trồng ngô trên những cánh đồng của cao nguyên đá Đồng Văn.